Từ A-Z lễ cúng giao thừa năm mới

Từ A-Z lễ cúng giao thừa năm mới

Lễ cúng giao thừa 2022 đầy đủ, chi tiết từ cách chuẩn bị đến bài văn khấn. Mời bạn click xem ngay bài viết để biết chi tiết nhé.

Theo truyền thống người Việt, cúng giao thừa còn gọi là lễ trừ tịch là nghi thức quan trọng trong năm. Mang  ý nghĩa tiễn biệt năm cũ và đón những điều tốt đẹp trong năm mới.

Nguồn gốc có lễ cúng giao thừa

Cúng giao thừa là nghi lễ quan trọng trước khi bắt đầu mùa Tết Nguyên Đán. Một năm mới sẽ bắt đầu vào lúc giao thừa và kết thúc vào lúc giao thừa năm sau.

Theo quan niệm sẽ có 12 vị Hành khiển, phán quan nhà trời, tượng trưng cho 12 con giáp từ Tí đến Hợi. Các vị quan này luân phiên nhau xuống trông coi công việc dưới hạ giới theo mỗi năm. Sau chu kỳ 12 năm, việc cai quản hạ giới sẽ quay trở về cho vị quan Hành khiển đầu tiên.

Chính vì vậy người Việt thường làm mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời để tiễn những vị quan Hành khiển năm cũ, nghênh đón những vị quan hành khiển năm mới. Thời điểm cúng được tiến hành vào 0h ngày mùng 1 Tết.

Các quan nhà Trời cũng có người Thiện và kẻ Ác. Ông Thiện chuyên phù hộ, độ trì cho con người, ban cho những điều tốt đẹp, may mắn. Còn ông Ác thì lại gây ra lũ lụt, hạn hán, đói kém, mất mùa.

Khi quan Hành khiển cũ và quan Hành khiển mới bàn giao công việc.Mọi nhà đều thực hiện lễ cúng giao thừa để mong các vị Hành khiển có thể dâng lên Ngọc Hoàng những lời tốt đẹp.

12 vị Hành khiển và Phán quan cúng giao thừa hàng năm

Bạn lưu ý tính theo năm âm lịch và tên các quan hành khiển và phán quan mỗi năm để đọc bài văn khấn cho đúng nhé.

Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.

Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.

Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.

Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.

Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.

Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.

Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.

Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.

Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.

Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.

Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.

Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.

Ý nghĩa của việc cúng giao thừa

Cúng giao thừa được xem như lễ “tống cựu nghinh tân" tức là tiễn vị thần năm cũ và chào đón vị thần mới xuống hạ giới cai quản công việc.

Lễ cúng này có ý nghĩa cầu mong các vị Thần linh, gia tiên chứng giám, phù hộ độ trì cho gia đình được đón một năm mới bình an, hạnh phúc.

Ngoài ra còn mang ý nghĩa sum họp gia đình quay quần cùng nhau hân hoan đón chào khoảnh khắc chuyển giao năm cũ và năm mới. Cùng nhau nâng ly chúc mừng năm mới mong muốn mọi sự khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới vạn sự như ý.

Cúng giao thừa cần được thực hiện vô cùng cẩn trọng bởi người ta tin rằng những điềm hay, điềm dở liên quan tới mọi sự trong năm mới. Chính vì vậy, lễ cúng giao thừa luôn có ý nghĩa vô cùng đặc biệt.

Cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước?

Các gia chủ lưu ý thực hiện lễ cúng giao thừa ngoài trời trước nhằm "nghênh tân, tiễn cửu" tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Sau đó mới làm lễ cúng giao thừa trong nhà.

Cúng giao thừa là lễ cúng quan trọng được tất cả người Việt chờ đón

Văn khấn cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương

Con kính lạy Đức Đương lai hạ sinh Di Lặc Tôn Phật.

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần

Con kính lạy ngài Cựu niên Đương cai Hành khiển

Con kính lạy ngài đương niên ……(tên quan hành khiển của năm mới theo danh sách bên trên)

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Táo quân,chư vị Tôn thần.

Nay là phút Giao thừa năm …. Âm lịch

Chúng con là ..... Ngụ tại ......

Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới năm cũ qua đi, đón mừng năm mới. Nay quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc.

Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật dâng lên trước án. Cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh. Chúng con kính mời các ngài giá lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Phù hộ độ trì cho chúng con được minh niên khang thái, vạn Sự cát tường. Bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn Trời, Phật, chư vị Tôn thần.

Cúi xin chín phương Trời mười phương chư Phật cùng Chư vị tôn thần chứng giám, phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Lễ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời

Theo tín ngưỡng của người Việt, thời khắc giao thừa chính là lúc chuyển giao công việc cai trị của các vị quan Hành khiển. Vì vậy, người dân làm mâm cỗ cúng giao thừa để tiễn đưa vị thần năm cũ và chào đón vị thần mới.

Lễ vật ngoài trời gồm: Giấy cúng giao thừa ngoài trời, ngũ quả, nhang, hoa tươi, đèn cầy, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ nón mũ thần linh, gà trống luộc chéo cánh, xôi, bánh chưng... nếu là phật tử có thể cúng mâm lễ chay.

Mọi thứ bày vào bàn trước sân nhà, chính diện cửa lớn, hướng cúng vái ra bên ngoài. Tới giao thừa, người chủ gia đình thắp nhang đèn, rót rượu và thành kính khấn vái.  Khi thắp nhang cần cắm thẳng, không được cắm nghiêng.

Với lễ cúng trong nhà thường gồm: Giấy cúng giao thừa trong nhà, xôi chè, trầu têm, bánh mứt, gà luộc, giò chả, mâm cơm cúng gia tiên,…

Mong rằng qua bài viết hôm nay quý bạn đọc đã có thông tin cần thiết cho lễ cúng giao thừa chia tay năm cũ, chào đón năm mới. Chúc quý bạn đọc và khách hàng Dịch vụ Đồ Cúng Việt nhiều sức khỏe, năm mới vạn sự như ý, an khang thịnh vượng.