
Khi sinh một đứa trẻ, ba mẹ cần phải biết về các lễ cúng Mụ cho con. Theo quan niệm dân gian, mỗi đứa trẻ sinh ra đều được nâng đỡ và che chở bởi 12 Bà Mụ. Do đó, nếu ba mẹ có những tín ngưỡng truyền thống thì phải làm những lễ cúng Mụ. Vậy cúng Mụ là gì? Có những lễ cúng Mụ nào? Hãy cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây của Đồ Cúng Việt nhé!
NỘI DUNG BÀI VIẾT:
Cúng Mụ là gì?
Cúng Mụ là một phong tục truyền thống của người Việt, được tổ chức để tạ ơn 12 Bà Mụ. Trong tín ngưỡng dân gian, Bà Mụ chính là những người đã nặn ra hình hài của những đứa trẻ và bảo vệ, che chở con trong quá trình sinh nở và trưởng thành.
Cúng Mụ không chỉ là những quan niệm tâm linh thông thường. Đây còn là những nghi lễ để thể hiện lòng biết ơn đối với các đấng tạo hóa, những vị thần linh đã tạo ra và che chở loài người. Biết ơn về nguồn cội và ghi nhớ những lời ông bà tổ tiên để lại. Cúng Mụ cũng là để cầu mong sức khỏe, may mắn và bình an cho con.
Có nhiều lễ cúng Mụ tùy theo phong tục vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, phổ biến là các lễ cúng đầy cữ (bé trai 7 ngày tuổi, bé gái 9 ngày tuổi), cúng đầy tháng (tròn 1 tháng tuổi), cúng thôi nôi (tròn 1 năm tuổi) và cúng căn (khi trẻ tròn 3 tuổi, 6 tuổi, 9 tuổi và 12 tuổi).
Ý nghĩa các loại mâm cúng Mụ cho bé
Dưới đây là các lễ cúng Mụ và ý nghĩa cụ thể của từng lễ cúng Mụ cho trẻ:
Mâm cúng Mụ đầy cữ

Cúng đầy cữ là để thông báo với thần linh và tổ tiên về sự hiện diện của bé, tạ ơn các bà Mụ đã che chở giúp mẹ tròn con vuông. Đây cũng là dịp để gia đình cầu mong sức khỏe cho cả mẹ và bé sau sinh. Cúng đầy cử được tổ chức khi bé trai được 7 ngày tuổi, bé gái tròn 9 ngày tuổi. (số 7 tượng trưng cho số Dương, số 9 tượng trưng cho số Âm theo quan niệm tâm linh).
>>Xem bài viết chi tiết: Hướng dẫn cúng đầy cữ 7 ngày cho bé trai, 9 ngày cho bé gái
Mâm cúng Mụ đầy tháng

Cúng đầy tháng là lễ cúng Mụ quan trọng nhất, được tổ chức khi bé tròn 1 tháng tuổi. Đây cũng là lễ cúng Mụ phổ biến nhất và hầu hết gia đình đều tổ chức cho con. Đây là lễ cúng nằm báo cáo với tổ tiên, tạ ơn các Bà Mụ và chính thức công nhận sự có mặt của bé với dòng tộc. Họ tên của bé chính thức được tổ tiên và dòng họ công nhận. Đây cũng là dịp mừng bé vượt qua giai đoạn non nớt và mẹ kết thúc giai đoạn ở cữ.
>>Xem bài viết chi tiết: Hướng dẫn cúng đầy tháng cho bé trai và bé gái
Mâm cúng Mụ thôi nôi

Cúng thôi nôi được thực hiện khi bé sinh nhật 1 năm tuổi, là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của con. Đây là lễ cúng để tạ ơn 12 Bà Mụ đã che chở để bé lớn lên khỏe mạnh. Đồng thời cầu chúc cho con sẽ có một cuộc sống phía trước thuận lợi và gặp nhiều may mắn. Ba mẹ cũng thường chuẩn bị cho con một mâm bốc thôi nôi để cho bé bốc chọn đồ dự đoán nghề nghiệp tương lai theo sở thích của bé.
>>Xem bài viết chi tiết: Hướng dẫn cúng thôi nôi cho bé trai và bé gái
Mâm cúng căn

Cúng căn là lễ cúng Mụ không phổ biến bằng lễ đầy tháng và thôi nôi. Tuy nhiên, nhiều ba mẹ quan tâm đến sức khỏe và bình an của con vẫn tổ chức cho con 3 năm 1 lần khi bé được 3 tuổi, 6 tuổi, 9 tuổi và 12 tuổi. Ở các độ tuổi này, con sẽ có nhiều thay đổi trong phát triển cơ thể và tính cách. Do đó, ba mẹ cũng cầu mong cho con luôn may mắn và bình an.
>>Xem bài viết chi tiết: Hướng dẫn cúng căn cho bé trai và bé gái
Mâm cúng Mụ cho trẻ gồm những gì?
Dưới đây là những lễ vật trong mâm cúng Mụ cho bé trai và bé gái:

- Mâm trái cây ngũ quả.
- Bình hoa tươi: Hoa cúc, hoa đồng tiền hoặc hoa cát tường.
- Hương (nhang): 1 bó.
- Nến (đèn cầy): 15 cây.
- Trà: 3 ly nhỏ.
- Rượu: 3 ly nhỏ.
- Nước: 3 ly nhỏ.
- Gạo, muối: 1 đĩa nhỏ.
- Đồ mặn: gà luộc chéo cánh, heo quay…
- Bộ giấy cúng (bé trai bộ giấy độ thế Nam hoặc bé gái bộ giấy độ thế Nữ).
- Xôi gấc đậu xanh: 12 phần nhỏ, 1 phần lớn.
- Chè: 12 phần nhỏ, 1 phần lớn (bé trai cúng chè đậu trắng, bé gái cúng chè trôi nước).
- Trầu cau têm cánh phượng: 13 phần.
- Bánh kẹo: 13 phần bánh kẹo.
- Bánh bao đào tiên, bánh bao hình thú 12 con giáp.
Trong mâm cúng đầy cữ bé trai 7 ngày và bé gái 9 ngày thì các lễ vật có chút thay đổi về số lượng.
Một số lưu ý khi thực hiện cúng Mụ
- Chè cúng: bé trai cúng chè đậu trắng, bé gái cúng chè trôi nước.
- Số nén nhang: Bé trai thắp 7 nén nhang (số Dương), bé gái thắp 9 nén nhang (số Âm).
- Cách khấn: bé trai xưng là “quý tử”, bé gái xưng là “nữ nhi”.
- Ngày cúng Mụ cho trẻ được tính theo lịch Âm để đảm bảo đúng phong tục truyền thống.
- Thời gian cúng: Nên chọn giờ hoàng đạo (giờ tốt), thường vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.
- Lễ vật không cần phải cầu kì nhưng cần đầy đủ và chu đáo
- Người thực hiện nghi lễ thường là ông bà, cha mẹ hoặc người lớn tuổi trong gia đình, không cần phải mời thầy cúng.
Cúng Mụ cho trẻ ngày âm hay ngày dương?
Chúng tôi đã có những bài viết hướng dẫn cách tính ngày đầy tháng, cách tính ngày thôi nôi cho bé chi tiết. Ở phần này, chúng tôi sẽ giải thích thêm về việc cúng Mụ cho trẻ sẽ được tính theo ngày âm hay ngày dương. Cúng Mụ là một lễ cúng theo phong tuc truyền thống của dân tộc, do đó, việc tính ngày cúng Mụ cho bé sẽ được tính theo Âm lịch.
Nhiều gia đình hiện đại sử dụng quen với lịch dương và ít sử dụng lịch Âm thì sử dụng lịch Dương cũng không sao. Không ảnh hưởng tới sức khỏe và tương lai của bé, mặc dù không đúng với phong tục truyền thống của dân tộc. Cúng Mụ là những lễ cúng để cầu bình an và may mắn cho con, nên nếu tổ chức các nghi lễ ngày thì ba mẹ nên sử dụng lịch Âm nhé!
Không cúng Mụ có sao không?
Trả lời ngắn gọn là không sao cả. Vì đây là một phong tục truyền thống của người Việt xưa để lại. Mặc dù hầu hết gia đình ở Việt Nam hiện hay vẫn gìn giữ và duy trì tục cúng Mụ, nhưng đây là tín ngưỡng riêng của từng cá nhân và gia đình. Do đó, nếu những gia đình không còn giữ văn hóa thờ cúng thì có thể không cúng Mụ cũng không sao, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và sự phát triển của bé. Quan trọng nhất vẫn là sự an tâm của gia đình, vì những lễ cúng này cũng mang những quan niệm tâm linh trong văn hóa người Việt.
Cúng Mụ không chỉ là một nghi lễ tâm linh mang tính truyền thống, mà còn là dịp để gia đình thể hiện tình yêu thương và sự quan tâm dành cho con. Dù là bé trai hay bé gái, nghi lễ cúng Mụ đều mang ý nghĩa cầu phúc, cầu bình an cho con trong cuộc sống.
Cảm ơn bạn đọc đã quan tâm nội dung, nếu bạn muốn tìm hiểu chi tiết hơn về các lễ cúng Mụ, hãy xem các bài viết riêng về các lễ cúng Mụ trên website này.
Để lại một bình luận